Sẽ tiêm vắc xin COVID-19 định kỳ ở trạm y tế

‘Tới đây, chúng ta sẽ không tổ chức tiêm COVID-19 theo chiến dịch, mà sẽ đưa vào tiêm chủng thường xuyên, cùng các vắc xin khác. Dự kiến mỗi tháng, các trạm y tế có 2-4 buổi tiêm chủng thường xuyên’.

 
Sẽ tiêm vắc xin COVID-19 định kỳ ở trạm y tế - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp của WHO tại Việt Nam và các đại diện Bộ Y tế chiều 8-5 – Ảnh: LAN ANH

Đây là thông tin bà Dương Thị Hồng – trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia – cung cấp trong cuộc gặp mặt báo chí, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức chiều 8-5 tại Hà Nội.

Vì sao WHO công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp?

Theo TS Angela Pratt – trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, sự xuất hiện của COVID-19 vào năm 2019 là sự kiện chưa từng có. Cuối tuần trước, WHO đã chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

“Tuyên bố này dựa trên những dữ liệu về số ca nhập viện, số chuyển nặng, miễn dịch tự nhiên. Đây không còn là sự kiện chưa từng có và có thể giảm thiểu các biện pháp. Tuy nhiên, tuyên bố này không phải là COVID-19 đã chấm dứt và biến mất, đại dịch vẫn còn”, TS Angela Pratt khẳng định.

Đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng mặc dù COVID-19 và cúm mùa có sự tương đồng, nhưng COVID-19 còn rất mới, còn nhiều vấn đề chưa biết, vì vậy còn quá sớm để coi COVID-19 như cúm mùa.

Sẽ đưa vắc xin COVID-19 vào tiêm chủng thường xuyên

Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, bà Dương Thị Hồng cho hay đến nay Việt Nam đã tiêm 266 triệu mũi tiêm cho các nhóm, tiêm chủng thành công góp phần đẩy lùi dịch.

Hiện vẫn đang triển khai tiêm nhắc lại, theo khuyến cáo mới nhất của WHO là tập trung cho người có nguy cơ cao, cao tuổi, suy giảm miễn dịch. Tỉ lệ tiêm mũi 3-4 đạt 80%, còn lại 20% (bao gồm cả người thuộc nhóm nguy cơ cao) cần đến tiêm chủng đầy đủ.

 

Bà Hồng thông tin thêm mới đây WHO hướng dẫn tiêm nhắc vắc xin này cho nhóm nguy cơ cao, mũi nhắc lại có thể gồm 2 mũi: mũi nhắc 1 sau khi hoàn thành mũi cơ bản 4 tháng và mũi 2 sau mũi nhắc 1 là 2 tháng.

“Tới đây, chúng ta sẽ không tổ chức tiêm COVID-19 theo chiến dịch, mà sẽ đưa vào tiêm chủng thường xuyên, cùng các vắc xin khác. 

Dự kiến mỗi tháng, trạm y tế đều có 2-4 buổi tiêm chủng thường xuyên. Chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để duy trì chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19″ – bà Hồng khẳng định.

Vẫn sẽ công bố dịch COVID-19 hằng ngày

Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay từ tháng 10-2021, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch, quan điểm này vẫn xuyên suốt cho đến nay. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn đẩy mạnh bảo vệ người nguy cơ cao.

Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chia sẻ với báo chí chiều 8-5 - Ảnh: TUẤN DŨNG

Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chia sẻ với báo chí chiều 8-5 – Ảnh: TUẤN DŨNG

“Sau khi WHO thông báo chấm dứt tình trạng khẩn cấp, số ca tử vong, mắc ở từng khu vực vẫn cao, vi rút vẫn có sự thay đổi. Kỳ họp trước ghi nhận có trên 500 biến thể phụ của Omicron, nhưng đến nay đã ghi nhận trên 900 biến thể phụ.

Như vậy cho thấy, tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu chấm dứt nhưng dịch chưa chấm dứt. Chúng ta vẫn ghi nhận 2.000 ca/ngày, trong đó bao gồm có nhập viện, có tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu COVID-19

Vì vậy vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch hằng ngày để các cơ quan liên quan nắm được. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ công bố đến khi phù hợp”, ông Lân giải thích.

Theo ông Lân, các hoạt động phòng chống dịch hiện nay sẽ dựa trên tình hình dịch tễ, biện pháp phòng chống, nguồn lực… đặc biệt trong bối cảnh dịch chưa ổn định, vẫn có biến chủng, ca mắc mới hằng ngày. 

Các biện pháp này nhằm đảm bảo khi có tình huống phải áp dụng để kiểm soát dịch nhanh chóng.

WHO khuyến nghị Việt Nam tập trung vào 7 lĩnh vực chính

Thứ 1, không bao giờ được ngơi nghỉ lơ là; khuyến nghị hệ thống phòng ngừa luôn ứng phó khi tình hình có thay đổi.

Thứ 2, đưa tiêm phòng COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia – tiêm chủng suốt đời. WHO khuyến nghị Việt Nam tăng cường việc tiêm các mũi tăng cường đặc biệt cho nhóm nguy cơ cao.

Thứ 3, cần tiếp tục tăng cường tích hợp các hoạt động giám sát theo dõi các bệnh lý hô hấp, báo cáo về WHO. Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới.

Thứ 4, Việt Nam cần luôn chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có.

Thứ 5, vẫn tiếp tục truyền thông, luôn huy động sự tham gia của cộng đồng. COVID-19 vẫn cần được truyền thông để người dân hiểu và luôn cập nhật thông tin về bệnh.

Thứ 6, Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3-2022 khi hướng tới quản lý bền vững COVID-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, và nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

Thứ 7, Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nghiên cứu để cải tiến vắc xin và hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19 hơn. Trong bối cảnh ca nhiễm vẫn tăng thì vẫn cần giám sát chặt chẽ, có các biện pháp sẵn sàng nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải. Theo Lan Anh (https://tuoitre.vn/se-tiem-vac-xin-covid-19-dinh-ky-o-tram-y-te-20230508163701431.htm) tuoitre online

11,002 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết